Trong bài viết hôm trước mình đã giới thiệu chung cho mọi người về các chỉ báo kỹ thuật được sử dụng trong giao dịch. Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về một loại chỉ báo được sử dụng phổ biến bởi nhiều trader trong giao dịch – RSI (Relative Strength Index – Chỉ báo sức mạnh tương đối) nhé.
Chỉ báo RSI được tính như thế nào
Relative Strong Index – Sức mạnh tương đối (RSI) là một công cụ phân tích kỹ thuật được sử dụng phổ biến trong nhiều thị trường, được phát triển bởi J. Welles Wilder. Đây là một loại chỉ báo dao động (Oscillator) dùng để đo sức mạnh tương đối của thị trường và tìm tín hiệu phân kỳ để vào lệnh. RSI được thể hiện bởi một đường giá trị hoạt động giữa hai chỉ số giá trị thấp và cao trên đồ thị.
Công thức tính:
RSI = 100 – 100/ (1+RS)
RS = Trung bình giá đóng cửa tăng trong n phiên / Trung bình giá đóng cửa giảm trong n phiên
RSI giúp các trader dễ dàng phát hiện các tình trạng quá mua hoặc quá bán trên thị trường. Chỉ báo giúp đánh giá giá tài sản trên thang điểm từ 0 đến 100 trong các giai đoạn thời gian lấy số xem xét các phiên giao dịch là 14.
Khi RSI nằm dưới mức 30, nó cho biết giá tài sản có thể gần chạm đáy hoặc đang tạo đáy (quá bán); RSI có điểm nằm trên mức 70, nó cho biết giá tài sản gần mức đỉnh (quá mua) trong khoảng thời gian đó và có khả năng sẽ giảm. Mặc dù giai đoạn thời gian mặc định của RSI là 14, trader có thể điều chỉnh để tăng độ nhạy (thiết lâp thời gian ngắn hơn) hoặc giảm độ nhạy (thiết lập thời gian dài hơn). RSI ở vùng 40-60 thể hiện xu hướng trung lập.
Cách sử dụng RSI để giao dịch
Cách cơ bản
Cách sử dụng cơ bản nhất của chỉ báo RSI là RSI vượt lên trên vùng 70 và cắt xuống thì bán ra, ngược lại, RSI vượt xuống vùng 30 và cắt lên trở lại thì mua vào.
Ví dụ về việc RSI sau khi cắt xuống dưới đường quá mua đã quay lại khu vực trên 30 và đồng thời giá cũng bắt đầu tăng.

Sử dụng tín hiệu phân kỳ (divergence) để giao dịch
Phân kỳ là hiện tượng giá tạo đỉnh cao mới nhưng RSI thì tạo đỉnh thấp, hoặc giá tạo đáy thấp mới nhưng RSI thì tạo đáy cao hơn. Sự không cùng chiều của giá với các chỉ báo có thể cho thấy xu hướng thị trường đang yếu dần và hiện tượng đảo chiều có thể xảy ra.
Có hai loại phân kỳ RSI được sử dụng trong phân tích kỹ thuật là phân kỳ dương và phân kỳ âm.
Phân kỳ thường gồm có:
- Phân kỳ dương: Giá tạo đáy sau thấp hơn đáy trước trong khi RSI tạo đáy sau cao hơn đáy trước báo hiệu giá có thể đảo chiều tăng;
- Phân kỳ âm: Giá tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước trong khi RSI tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước báo hiệu giá có thể đảo chiều giảm.
Phân kỳ thường được sử dụng để xem xét khi giao dịch có xu hướng đảo chiều. Vì tín hiệu của RSI đi trước hành động giá do đó khi đánh giá chỉ báo này cần xem xét sự xác nhận của các nến hoặc xem xét thêm các vấn đề khác.
Có thể xem xét ví dụ phân kỳ trên nến ngày sau đây: Trong khoảng thời gian từ 24/11/2020 đến 18/12/2020, giá BTC có xu hướng giảm nhẹ tuy nhiên chỉ báo RSI đã thể hiện xu hướng tăng và vào vùng quá bán, sau khi chạm vùng này, RSI có xu hướng tăng trở lại đồng thời xác nhận hành động giá sau đó cũng tăng trở lại (tuy nhiên cần chú ý thêm là tín hiệu RSI vào 18/12 cũng đồng thời báo tín hiệu phân kỳ với RSI vào ngày 23/10).

Phân kỳ ẩn gồm có:
- Phân kỳ dương: Giá tạo đáy sau cao hơn đáy trước trong khi RSI tạo đáy sau thấp hơn đáy trước báo hiệu giá có thể đảo chiều tăng;
- Phân kỳ âm: Giá tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước trong khi RSI tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước báo hiệu giá có thể đảo chiều giảm.
Phân kỳ ẩn thường được sử dụng để xem xét khi giao dịch cùng chiều xu hướng chính.
Ví dụ có thể xem xét phân kỳ ẩn báo hiệu sự giảm giá sắp quay trở lại trên đồ thị 30 phút của BTC vào trung tuần tháng 5 khi có tín hiệu phân hiệu tại đỉnh trên khung giờ đang xem xét.

Việc xem xét vào các lệnh giao dịch bên cạnh các tín hiệu của RSI cần kết hợp thêm việc phân tích các vùng hỗ trợ, kháng cự hoặc các mô hình nến xác nhận để có thể vào lệnh giao dịch tối ưu nhất.
Trên đây mình đã giới thiệu mọi người liên quan đến cách sử dụng chỉ báo RSI để giao dịch. Chỉ báo này cũng như các chỉ báo khác hiện nay đều được tích hợp sử dụng trên Tradingview, nếu còn thắc mắc gì mọi người trao đổi thêm trong nhóm như thông tin được nêu ở phía dưới nhé.
Leave a Reply