Trend line (đường xu hướng) là một công cụ kỹ thuật mang tính phổ biến vì chúng xuất hiện trong nhiều các mô hình giao dịch và được các trader sử dụng để có thể mở các vị thế phù hợp với xu thế thị trường. Việc sử dụng các đường xu hướng có thể kết hợp với các chỉ báo khác để xem xét các vùng giá hỗ trợ và kháng cự được chính xác hơn. Trong bài viết ngày hôm nay mình sẽ cùng mọi người tìm hiểu các vấn đề cơ bản để có thể sử dụng đường xu hướng trong phân tích kỹ thuật nhé,
Khái niệm
Đường xu hướng là một đường thẳng nối hai hoặc nhiều điểm giá tại các đỉnh, đáy và sau đó mở rộng theo thời gian trong tương lai để hoạt động như một đường hỗ trợ hoặc kháng cự. Vì đường xu hướng là đường nối các điểm do đó việc xác định có thể mang tính chất chủ quan giữa các trader khác nhau. Việc sử dụng các đường xu hướng rất quan trọng cho việc xác định và xác nhận xu hướng giá đang di chuyển trong hiện tại.

Có thể kết hợp với các chỉ báo khác để tăng tính khách quan hơn trong việc xác định các đường xu hướng. Nền tảng Tradingview cũng như các nền tảng giao dịch khác cũng đều cho phép vẽ đường trend line để hỗ trợ trong giao dịch.
Vai trò trong phân tích kỹ thuật
Đường xu hướng giúp người phân tích kĩ thuật xác định được hướng di chuyển của thị trường. Trong giao dịch vẫn ưu tiên giao dịch thuận chiều xu hướng và do đó việc xác định được xu hướng là bước đầu tiên trong quá trình thực hiện một giao dịch từ đó hạn chế được bớt các rủi ro có thể xảy ra trong việc vào lệnh.

Việc xác định đường xu hướng cũng cho thấy các mức giá có thể được xem xét trong việc vào lệnh hoặc cắt lệnh để đảm bảo giao dịch được thành công.
Phân loại đường xu hướng
Có hai đường xu hướng là đường xu hướng tăng và đường xu hướng giảm.
Đường xu hướng tăng
Đường xu hướng tăng có độ dốc hướng lên và được hình thành bằng cách nối hai hoặc nhiều điểm thấp. Mức thấp thứ hai phải cao hơn mức đầu tiên để đường xu hướng có độ dốc hướng lên. Một mức giá tăng kết hợp với nhu cầu tăng cho thấy một quyết tâm mạnh mẽ từ phía người mua. Chừng nào giá vẫn ở trên đường xu hướng, xu hướng tăng được coi là giữ nguyên. Khi giá phá vỡ dưới đường xu hướng tăng cho thấy nhu cầu tăng đã suy yếu và xu hướng thay đổi có thể sắp xảy ra.
Việc mở vị thế đánh giá lên trong trường hợp giá giữ phía trên đường xu hướng tăng có thể xem xét kết hợp thêm các chỉ báo khác để có thể tối ưu kết quả vào lệnh. Ví dụ dưới đây thể hiện giá được giữ phía trên đường trendline và chúng ta có thể mở vị thế đánh giá lên (cùng với việc điều chỉnh chỉ số RSI không còn ở vùng quá mua).

Đường xu hướng giảm
Đường xu hướng giảm có độ dốc hướng xuống và được hình thành bằng cách nối hai hoặc nhiều điểm cao. Độ cao của điểm thứ hai phải thấp hơn mức đầu tiên để đường xu hướng có độ dốc giảm. Các đường xu hướng giảm đóng vai trò là ngưỡng kháng cự và chỉ ra rằng nhu cầu bán đang tăng khi giá giảm. Miễn là giá vẫn nằm dưới đường xu hướng giảm, xu hướng giảm vẫn được giữ nguyên. Việc phá vỡ trên đường xu hướng giảm cho thấy lực bán đang giảm và việc thay đổi xu hướng có thể sắp xảy ra.
Có thể xem xét ví dụ dưới đây, khi giá đóng nến dưới đường xu hướng giảm – kháng cự có thể mở vị thế bán giá xuống thuận theo xu hướng, cắt lỗ khi nến đóng trên đường xu hướng giảm. Ví dụ dưới đây có thể xem xét để mở xu hướng bán giá xuống khi giá đóng cửa dưới đường xu hướng giảm – kháng cự đồng thời RSI cũng không quá gần khu vực quá bán, cắt lỗ (nếu còn mở vị thế bán giá xuống) khi có nến đóng cửa trên đường xu hướng giảm.

Như vậy trên đây mình đã giới thiệu với mọi người thông tin tổng quan liên quan đến đường xu hướng và cách sử dụng. Đường trend line có thể được sử dụng như đường hỗ trợ và kháng cự trong việc thiết lập giao dịch. Đồng thời mọi người cũng có thể sử dụng đường xu hướng cùng với các chỉ báo kỹ thuật khác để có thể sử dụng trên Tradingview nhằm có được những thiết lập giao dịch hiệu quả.
Leave a Reply